Theo tài liệu nước ngoài, thịt lươn được dùng dưới dạng “lươn hấp cơm”, một món ăn – vị thuốc phổ biến chữa chứng vàng da (bệnh hoàng thống). Thịt lươn rửa sạch, cắt miếng, ướp gia vị và nước gừng tươi, thêm ít rượu. Khi cơm sắp cạn, đặt thịt lươn lên trên để hấp cho chín. Ăn nóng. Kết quả điều trị rất tốt, sắc mặt sẽ hết vàng.
Thịt lươn nấu với ngó sen chữa rong kinh, băng huyết; thịt lươn cuốn lá lốt nướng ăn chữa tê thấp; thịt lươn hầm với đỗ đen có tác dụng bổ thần kinh; ninh nhừ với màng mề gà trị cam tích ở trẻ em… Người Nhật Bản coi thịt lươn như một loại thực phẩm thông huyết mạch, lợi gân cốt.
Chữa thiếu máu, gầy còm, mệt mỏi: thịt lươn 10g thái nhỏ, nước gừng 10 – 20ml, gạo vừa đủ, nấu thành cháo. Ăn trong ngày.
Chữa viêm gan mạn tính: lươn 2 – 3 con làm thịt, bỏ ruột, tầm gửi cây dâu (tang ký sinh) 60g; rễ lau 30g, nước vừa đủ. Tất cả đem nấu chín, ăn cả cái lẫn nước.
Chữa suy nhược thần kinh: thịt lươn 250g, thái nhỏ, hấp cách thủy với hoài sơn, bách hợp, mỗi thứ 30g và nước vừa đủ. Ăn trong ngày. Dùng 5 – 7 ngày.
Chữa mồ hôi tay/chân: lươn 1 con, luộc qua, gỡ lấy thịt, ý dĩ nhân 20g, gạo nếp 30g. Trộn chung 3 thứ, nấu thành cháo với nước luộc lươn, thêm gia vị, ăn trong ngày. Dùng 5 – 7 ngày là 1 liệu trình.
Chữa di, mộng tinh: củ súng 10g nấu chín, bóc vỏ phơi khô, hoài sơn 50g nấu chín, phơi khô. Hai thứ tán bột, trộn đều nấu cháo với thịt lươn, ăn vào lúc đói. Dùng liên tục một thời gian.
Chữa bạch đới, khí hư: lươn 1 con to lấy phần giữa khoảng 30cm, đốt thành tro; hồ tiêu tán nhỏ, rây bột mịn. Hai thứ trộn đều, mỗi lần uống 8g với rượu, ngày 3 lần (theo Nam dược thần hiệu).
Kiêng kỵ: Người bị bệnh sốt rét, vàng da, kiết lỵ, đầy bụng, khó tiêu, không nên ăn lươn.
Theo Lương y Phan Văn Tiến/ SK&ĐS