Lý do nhiều nhà hàng không để khách mang đồ ăn thừa về

Miranda Reilly, du khách Anh lén lút cho những chiếc bánh mì còn thừa vào túi dưới gầm bàn để mang về, thay vì yêu cầu bồi bàn gói giúp.

Tại một nhà hàng hai sao Michelin ở Mayfair, Anh, một nhóm khách hàng gồm cả những người nổi tiếng đang ngồi thưởng thức đồ ăn thượng hạng. Luisa Gottardo đến từ Hertfordshire cũng là một trong số đó. Cô kết thúc bữa ăn bằng món Risotto (một món cơm kiểu Italy) cùng phô mai và lê. Trước khi về, Gottardo yêu cầu nhà hàng gói những thứ còn thừa và cho vào túi để cô mang về nhưng bị từ chối. Khi cô phàn nàn, nữ thực khách nhận được câu trả lời rằng đây là quy định.

Nhiều người ngại xin túi đựng thức ăn thừa để gói mang về, vì sợ kém sang. Ảnh: News.

Nhiều người ngại xin túi đựng thức ăn thừa để gói mang về, vì sợ “kém sang”. Ảnh: News.

Ian Hogan, từng đưa con gái ăn tối tại một khách sạn cao cấp ở Hunter Valley, Australia. Hai cha con gọi món mì ống, nhưng con gái Hogan không ăn hết. Do đó, anh yêu cầu gói món ăn lại để có thể mang lên phòng. Nhưng bồi bàn từ chối. “Chúng tôi phải trả 400 USD cho một đêm nghỉ ở đây, và món mì ống có giá 12 USD. Con bé mới chỉ ăn một hai miếng. Tôi yêu cầu gặp quản lý và người này cũng nói không với đề nghị đóng gói đồ ăn mang về”, anh nhớ lại. Nam du khách cho rằng đó là một sự lãng phí đồ ăn.

Gottardo, Hogan không phải là những thực khách hiếm hoi cảm thấy hụt hẫng và ngại ngùng khi bị từ chối. Nhà hàng hai sao Michelin hay khách sạn 5 sao trên cũng không phải là những nơi đầu tiên trên thế giới thực hiện quy định này.

“Tôi cho rằng nhiều nhà bếp và quản lý nhà hàng sẽ trở nên sốt sắng khi nói đến vấn đề thực phẩm nằm ngoài tầm kiểm soát của họ”, Russell Norman, người đứng đầu chuỗi nhà hàng Polpo cho biết. “Nếu đầu bếp đang nấu món gì đó trong một nhà hàng có tiếng tăm, thậm chí gắn sao Michelin, tôi tin rằng anh ấy muốn khách ăn ngay tại chỗ để có thể thưởng thức theo cách ngon nhất”.

Ngoài việc e ngại khách ăn đồ không đúng thời điểm sẽ mất ngon, ảnh hưởng đến danh tiếng, nhà hàng còn có một nỗi sợ khác. Đó là việc khách hàng sẽ bị ngộ độc thức ăn. “Ai cũng nghĩ món cơm thì vô hại. Nhưng vi khuẩn có thể phát triển khá nhanh và gây ra ngộ độc thực phẩm”, Norman nói. Do vậy, nhiều nhà hàng không đồng ý để khách mang đồ còn thừa về, vì sợ không kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài bồi thường tiền viện phí cho khách, các nhà hàng còn lo sợ nhất là tin tức này bị lan ra, công việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

Nhiều nhà hàng trên thế giới từ chối cho khách mang đồ ăn thừa trong khẩu phần của họ về nhà. Ảnh: Toronto Star.

Điều này cũng lý giải việc nhiều nhà hàng chấp nhận mang tiếng keo kiệt hay lãng phí nhưng không bao giờ đưa thức ăn thừa cho những người vô gia cư. Ảnh: Toronto Star.

Gymkhana, một nhà hàng khác ở Mayfair, Anh cũng có chính sách tương tự. Những người phục vụ ở đó từ chối để khách mang đồ thừa về. Tuy vậy, vẫn có những nhà hàng, như của Norman, mạo hiểm để khách được mang đồ đi.

Bên cạnh chính sách của một số nhà hàng, việc gói thức ăn về cho khách phụ thuộc vào quan điểm và thói quen của người dân ở từng quốc gia. Người dân Australia luôn tự nhận mình là những người sành ăn. Vì vậy, họ xấu hổ khi yêu cầu bồi bàn đóng gói thức ăn thừa để mang về nhà. Tại Mỹ, nhiều nhà hàng thường đề nghị gói thực phẩm để khách mang về trước khi bạn yêu cầu. Nhưng tại Pháp, điều này không thực hiện thường xuyên.

Anh Minh (Theo News)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *